2 cách làm bánh trung thu truyền thống ngon tại nhà

2 cách làm bánh trung thu truyền thống ngon tại nhà

Bánh trung thu là thứ bánh truyền thống và quen thuộc trong mỗi dịp Trung Thu. Nếu bạn muốn tự làm bánh tại nhà để hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn thì hãy tham khảo một số cách làm bánh trung thu được giới thiệu dưới đây nhé!

cách làm bánh trung thu

Bạn có thể tự tay làm bánh trung thu tại nhà

Cách làm bánh trung thu nướng thập cẩm truyền thống

Trước khi tiến hành bắt tay vào làm bánh trung thu, bạn cần phải chuẩn bị trước đó một số nguyên liệu như sau:

  • Nước đường vàng (ít nhất là một tuần): Hãy pha 1kg đường nâu cùng với 600ml nước, trộn thêm với nước cốt chanh của một quả chanh. Thắng dung dịch này với lửa vừa cho đến khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng hổ phách. Lúc này bạn chỉ cần bảo quản nước đường vào bên trong một lọ thuỷ tinh đã được khử trùng trong nhiệt độ phòng là được.
  • Nước tro tàu: Đây là loại nước giúp cho lớp vỏ bánh được ẩm và mềm bên trong nhưng vẫn mang màu vàng óng đẹp mắt bên ngoài. Trường hợp không mua được nước tro tàu thì bạn có thể tạm thay thế bằng baking soda.

Sau khi chuẩn bị xong những nguyên liệu trên thì bạn có thể tham khảo nguyên liệu khi làm bánh dưới đây. Lưu ý số lượng nguyên liệu dưới đây thích hợp để bạn làm khoảng 8 bánh.

làm bánh trung thu nhân thập cẩm

Làm bánh trung thu thập cẩm có nhiều nguyên liệu và công đoạn khá phức tạp

Nguyên liệu

  • 10g vỏ cam
  • 80g mứt bí đao
  • 2-3g lá chanh
  • 50g lạp xưởng
  • 50g gà nướng (khoảng 1 đùi gà nướng)
  • 30g mứt gừng
  • 50g chà bông (ruốc lợn)
  • 25g hạt bí rang
  • 30g hạt điều rang
  • 30 ml nước
  • 30g hạt dưa rang
  • 25 ml rượu Mai Quế Lộ
  • 15 ml nước tương
  • 15g hạt mè trắng rang
  • 6,25 ml dầu mè
  • 30ml dầu đậu nành
  • 8 lòng đỏ trứng vịt muối
  • 2 thìa bột gạo nếp
  • 1/4 thìa cà phê muối nở
  • 200g bột mì đa dụng
  • 30g dầu đậu nành
  • 1 lòng đỏ trứng lớn
  • 106g nước đường vàng
  • 5ml nước
  • 5ml nước đường vàng
  • 2,5ml dầu mè
  • 1 lòng đỏ trứng lớn

Các bước làm bánh

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Vỏ cam bạn nhúng vào trong nước đun sôi trong khoảng 10-15 giây. Sau đó lấy ra băm nhuyễn.
  • Gà quay xé sợi.
  • Lạp xưởng cho vào nồi luộc khoảng từ 1-2 phút. Sau đó thái lạp xưởng thành hình hạt lựu.
  • Hạt điều, hạt dưa cùng mè rang thì xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
  • Lá chanh bạn thái sợi nhỏ, sau đó băm nhuyễn.
  • Mứt bí, mứt gừng thái hạt lựu
  • Lòng đỏ trứng muối trộn cùng 2 thìa nhỏ rượu Mai Quế Lộ và nửa thìa cà phê dầu mè. Hấp lòng đỏ trứng muối trong vòng 7 phút, sau đó để nguội.

Bước 2: Làm nhân bánh

  • Cho chảo lên bếp và làm nóng chảo với lửa vừa, cho thịt gà quay cùng lạp xưởng vào đảo đến khi có mùi thơm là được.
  • Lúc này tiếp tục cho các nguyên liệu khác như ruốc thịt lợn, mứt, vỏ cam, lá chanh vào trộn đều.
  • Đầu tiên cho 2 thìa nước trắng vào đảo đều, sau đó cho 1 thìa rượu Mai Quế Lộ, 1 thìa dầu mè, 2 thìa dầu ăn vào trộn thật đều cho các nguyên liệu được hoà trộn vào nhau. Bạn hãy nêm nếm nhân này sao cho hợp khẩu vị nhé!
  • Sau khi nêm nếm xong bạn cho vào chảo thêm 2 thìa bột gạo nếp và đảo cho nhân bánh được dính nhau, bạn có thể tăng độ kết dính nhờ vào dầu cùng bột gạo. Lúc này chỉ cần tắt bếp và để nhân nguội.
  • Tiến hành nặn nhân bánh trung thu, lưu ý tỷ lệ nhân phù hợp cho một chiếc bánh là 60g. Đầu tiên bạn cho 20 đến 25g nhân bánh lên màng bọc thực phẩm, tiếp đó đặt thêm lòng đỏ trứng muối. Quần lớp màng bọc thực phẩm xung quanh nhân và nặn đều tay cho nhân có hình tròn đều là được.

hướng dẫn làm bánh trung thu tại nhà

Viên nhân bánh trung thu thập cẩm

Bước 3: Tạo hình cho bánh trung thu thập cẩm

Đây có lẽ là bước dễ dàng nhất trong cách làm bánh trung thu, khi mà bạn chỉ cần thực hiện việc tạo hình như sau:

  • Cán mỏng những quả bóng bột rồi cho nhân bánh vào giữa làm nhân.
  • Miết phần vỏ sao cho lớp bột được bọc quanh phần nhân.
  • Bọc thêm cho bánh trung thu một lớp bột mì mỏng để chống dính.
  • Cho viên bánh trung thu vào khuôn rồi đặt lên mặt phẳng, ấn phần tay cầm và dồn lực cho khuôn tạo hình là được.

Bước 4: Nướng bánh

  • Lò nướng bạn cần làm nóng trước đó ở nhiệt độ 185 độ C. Bánh trung thu đã được tạo  hình hãy xếp vào trong khay đã được xếp sẵn giấy nến, sử dụng cây kim hoặc tăm chọc nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt và thành bánh. Nướng banh trong khoảng 10 phút.
  • Chuẩn bị hỗn hợp nước đường trứng phủ vỏ bánh bằng cách sử dụng: 5ml nước đường vàng, 2,5ml dầu mè, 1 lòng đỏ trứng cùng 5ml nước trắng. Khuấy đều cho các nguyên liệu hoà trộn vào nhau.
  • Hạ nhiệt độ lò nướng xuống còn 165 độ , lấy bánh ra và phết hỗn hợp vừa làm phía trên lên bề mặt của bánh, cố gắng không để hỗn hợp đọng lại trên mặt bánh. Nướng bánh trong lò khoảng tầm 7 phút nữa là được.
  • Cho bánh ra khỏi lò và phết hỗn hợp trên thêm lần nữa, nướng lần 2 trong khoảng 7 – 8 phút sao cho bánh chuyển sang màu chín vàng.
  • Đợi cho bánh trung thu có thể nguội hoàn toàn trên khay, bảo quản tại nơi khô ráo và thoáng mát.

Với cách làm bánh trung thu này, bạn nên sử dụng sau khoảng 2 đến 3 ngày nướng, và để tủ lạnh ăn dần trong khoảng 1 đến 2 tuần.

Cách làm bánh trung thu dẻo nhân đậu xanh truyền thống

Để mà đánh giá thì làm một chiếc bánh dẻo sẽ không cầu kỳ bằng cách làm bánh trung thu nướng. Bạn có thể tham khảo nguyên liệu cũng như công thức làm dưới đây.

làm bánh trung thu dẻo

Các bước làm bánh trung thu dẻo ít phức tạp hơn bánh trung thu nướng

Nguyên liệu 

Để làm nước đường cho bánh

  • Đường cát trắng: 300g
  • Nước: 300ml
  • Nước cốt chanh: 5ml

Để làm vỏ bánh

  • Nước đường bánh dẻo: 392g
  • Dầu ăn: 12g
  • Nước hoa bưởi: 6g
  • Bột nếp rang: 200g

Để làm nhân đậu xanh

  • Đậu xanh xát vỏ: 180g
  • Đường: 80g
  • Dầu dừa: Khoảng 70 đến 80g
  • Bột mì đa dụng: 9g
  • Nước trắng: 270ml

Cách làm bánh trung thu với nhân đậu xanh

Bước 1: Nấu nước đường

  • Cho nước hòa cùng với đường rồi đun với lửa to, khuấy đều sao cho đường không đóng cặn tại đáy nồi là được, khuấy cho đến khi đường tan hết.
  • Sau khi đường đã tan hết bạn hạ lửa ở mức thấp, cho vào nước cốt chanh và đun thêm 15 phút nữa rồi mới tắt bếp. Lưu ý ở giai đoạn này bạn không được khuấy nồi nước đường.
  • Khi đã nấu xong bạn hãy lọc nước đường rây rồi để nguội. Nước đường này cần phải nấu từ tối hôm trước. Nước đường càng trong thì thành phẩm bánh dẻo sẽ càng đẹp mắt hơn.

Bước 2: Làm nhân bánh 

  • Đậu xanh sau khi rửa sạch thì cho vào nồi và cho thêm nước nóng miễn sao mực nước cao hơn lớp đậu xanh khoảng 1 cm. Bạn ngâm đậu trong khoảng 1 tiếng rưỡi cho đến khi đậu mềm là được.
  • Chắt nước bỏ đi, đậu thì cho vào nồi và cho thêm vào 80g đường cùng 200ml nước nóng. Đun nồi nước trên bếp với lửa to, sau khi sôi thì bạn chỉ cần hạ lửa nhỏ là được. Trong quá trình nấu hãy kết hợp giữa khuấy và hớt bọt, nếu nước trong nồi cạn quá nhanh, bạn có thể bổ sung thêm nước.
  • Đun cho đến khi đậu chín nhuyễn thì bạn tắt bếp và đem đậu xanh đã nấu ra xay thật nhuyễn và mịn. Lọc đậu đã xay qua rây rồi đổ tiếp vào chảo, thêm khoảng ½ thìa dầu.
  • Đun tiếp đậu xanh cùng dầu trên lửa nhỏ, khuấy thật đều cho hỗn hợp hoà quyện vào nhau, sau đó mới tiếp tục cho lượng dầu còn lại vào khuấy. Sên đậu trong chảo với lửa nhỏ (để tránh bị cháy), sên cho đến khi thấy đậu khô lại và dẻo là được. Hãy thử bằng cách viên thử một lượng đậu nhỏ, nếu vẫn bị chảy thì hãy sên thêm bạn nhé!

làm bánh trung thu tại nhà

Nên chú ý mức lửa và tình trạng của đậu xanh trong quá trình sên 

  • Khi nhân bánh đã đạt, bạn để nhân hơi nguội rồi chia chúng thành các phần bằng nhau. Trong lượng của nhân chỉ chiếm ⅓ trọng lượng của bánh, ví dụ nếu bánh 150g thì nhân nên có trọng lượng 50g.
  • Tiến hành nặn nhân bánh thành những viên tròn khi nhân vẫn còn ẩm. Sau khi nặn xong hãy bọc nhân lại để tránh nhân bị khô trong lúc chờ làm vỏ.

Bước 3: Làm vỏ bánh 

  • Để làm vỏ bánh trung thu nhân đậu xanh đẹp thì bước đầu tiên bạn cần là trộn đều hỗn hợp nước, dầu ăn, nước hoa bưởi cùng đường. Tiếp đến cho từ từ bột bánh vào bát nước đường và khuấy đều, sao cho bột mịn và không bị lợn cợn.
  • Xoa 1 lớp bột mỏng lên phần bột này và nhào thật mịn. Sau đó bạn chỉ cần chia bột thành các phần đều nhau là được.

Bước 4: Nặn và đóng bánh

Cán phần bột vừa làm phía trên thành hình tròn sao cho phàn mép mỏng hơn phần phía trong, đặt nhân vào bên trong và bọc lại. Cho cục bột vào khuôn và ấn nhẹ để bột tạo thành hình. Cho bánh nghỉ trong khuôn trong vòng 3 đến 5 phút là bạn có thể lấy ra.

Đối với bánh dẻo, bạn nên để bánh ở nhiệt độ thường trong vòng 1 đến 2 ngày trước khi dùng. Vì vỏ bánh lúc này sẽ trong hơn và dẻo hơn, độ ngọt cũng dịu lại. Vì bánh dẻo không thích để trong tủ lạnh. Nên bạn hãy sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể nhé!

Hy vọng thông qua bài viết trên bạn đã nắm được 2 cách làm bánh trung thu truyền thống. Chúc bạn làm bánh thành công và chiêu đãi cả nhà một mẻ bánh ngon cho ngày trung thu đang cận kề!

tuyet23

[adsense_block_detail]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read also x

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm

Website đang chạy thử nghiệm